Rác thải không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người đang sống mà còn ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại. Thế nhưng, phương thức để quản lý cũng như chiến lược để xử lý rác thải vẫn là vấn đề làm đau đầu lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là TP HCM.
Phân loại rác, phân loại trách nhiệm
Muốn giải được bài toán rác thải, trước hết phải dựa vào 4 nguyên tắc: Rác thải không thể tái chế thì nghiêm cấm sản xuất dưới mọi hình thức, rác thải có khả năng tái chế nhưng không có khả năng thu hồi tốt thì không được sản xuất đại trà; rác thải phải được quản lý ngay từ khâu cấp phép sản xuất và phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa bộ phận cấp phép, sử dụng, thu hồi, tái chế; nhà sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu nào sẽ chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng trong việc thu hồi và tái chế rác thải từ nguyên liệu đó và có thể liên kết nhiều nhà sản xuất (cùng nguyên liệu) để thực hiện; những gì có thể còn sử dụng sẽ tái sử dụng.
Biện pháp thực hiện cốt lõi chính là phân loại rác thải. Tất cả các loại rác thải phải được định danh và phân thành 3 loại. Loại 1 là xe máy, ôtô, quạt điện, tivi, tủ lạnh, máy giặt... Loại 2 có khả năng tái sử dụng và thu hồi tốt như sản phẩm gỗ, sách vở, quần áo... Loại 3 là sản phẩm rẻ tiền và hầu như không thể tái chế như bao ni-lông, hộp xốp...
Tiếp đó là phân loại trách nhiệm quản lý và thu hồi. Mỗi định danh trong rác thải phải được đính kèm phương thức quản lý, hình thức thu hồi và cách thức tái chế.
Ví dụ các nhà sản xuất dầu gội mỗi ngày cho ra đời hàng trăm triệu chai nhựa và chúng đều biến thành rác thải sau đó. Việc loại bỏ những sản phẩm còn đủ giá trị sử dụng là đi ngược lại hoàn toàn với những nguyên tắc kinh tế chính trị. Các nhà quản lý cần phải quản lý sao cho tổng số chai đựng dầu gội được sản xuất ra tương đương với số người dùng và sử dụng lại sau đó, không tốn quy trình sản xuất những chai dầu gội đầu thừa. Với nhà sản xuất, thay vì làm những bao bì giá rẻ, sau đó tốn nhiều tiền để thu hồi thì nên nghiên cứu tạo sản phẩm, bao bì khác biệt trên thị trường, có thể sử dụng lâu dài và dễ thu hồi. Quy trình quản lý này giúp sử dụng vừa đúng nhu cầu nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, vận hành, tiêu thụ và hạn chế tối đa rác thải.
Cần có sự hướng dẫn liên tục việc phân loại rác cho đến khi người thải rác, người thu gom, người xử lý rác thuần thục. Trong ảnh: Nhiều nơi, việc thu gom rác vẫn chưa thực hiện phân loại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Những vấn đề cốt lõi trong việc xử lý rác
Đối với rác sinh hoạt trong dân, thời gian qua, TP HCM thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân trong việc phân loại, thu gom rác nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy nên, vấn đề cốt lõi trước tiên là người thải rác, người thu gom, người xử lý phải nhìn được, phân biệt được rõ ràng 3 loại rác: rác thực phẩm, rác độc hại và rác khác. Việc này đòi hỏi phải có sự hướng dẫn liên tục, thậm chí cầm tay chỉ việc cho đến khi thành thục.
Hệ thống thu gom rác phải có tính chuyên biệt, ai chuyên gom loại rác nào thì gom loại rác đó và phải có cách thức, thời gian thu gom, vận chuyển, lưu trữ riêng cho từng đơn vị thu gom. TP HCM cần hình thành các trung tâm xử lý rác với 2 cấp độ: đơn giản, chuyên sâu và có quy định ràng buộc rõ ràng về vệ sinh công nghiệp. Cấp độ đơn giản đặt tại quận, huyện; xử lý các loại rác không gây ô nhiễm và dành cho người nghèo, khởi nghiệp tham gia. Cấp độ chuyên sâu thì tập trung thành vài trung tâm lớn đặt ở vùng ven TP, dành cho các doanh nghiệp có tài lực, có chuyên môn. Mỗi trung tâm có hệ thống xử lý ô nhiễm, chia nhiều khu xử lý riêng một loại chất thải nào đó. Tất cả hoạt động trong khu đó được chế tài bằng luật, mọi hoạt động mua bán trong trung tâm phải thông qua hình thức đấu giá và đóng thuế GTGT đầy đủ.
TP cũng cần có ứng dụng (app) kết nối người bán và người mua rác thải trong sự quản lý của chính quyền. Chỉ có những người được cấp phép hoạt động trong các trung tâm xử lý rác mới được cấp app. Chủ app được thực hiện như một chủ thể kinh doanh trên mạng nhưng trong phạm vi phân loại rác thải và khu vực địa lý được quy định. Các app có thể sử dụng hệ thống vận chuyển giao thông hiện tại để thu gom rác hoặc tự hình thành hệ thống riêng nhưng ưu tiên hệ thống thu gom rác với những phương tiện công nghệ cao, chuyên biệt không gây ô nhiễm.